Theo sự vận động và phát triển không ngừng của thời đại, các phong cách thiết kế cũng cập nhật liên tục để bắt kịp xu hướng. Vậy lựa chọn phong cách nào để phù hợp và để thể hiện được cá tính riêng của gia chủ? Hãy cùng Đất Xanh Miền Tây điểm qua 8 phong cách nội thất được ưa chuộng nhất hiện nay và những bí quyết không thể bỏ qua để sở hữu một tổ ấm tuyệt vời!
Nội thất phong cách Bắc Âu
Phong cách Bắc Âu hay được gọi với cái tên phổ biến là phong cách Scandinavian, được biết đến từ thập niên 1950 như một đại diện tiêu biểu của phong cách tinh tế, tao nhã nhưng cũng không kém phần sang trọng.
Trong phong cách Bắc Âu, hãy lưu ý vài đặc điểm:
Màu sắc chủ đạo: Luôn sử dụng tone màu trắng, kết hợp với những tông màu Pastel – Gam màu nhạt như xanh dương, hồng phấn, xanh mint … điều này bắt nguồn từ ảnh hưởng từ màu của tuyết vùng Bắc Âu.
Vật liệu quan trọng trong các vật phẩm nội thất là Gỗ
Ánh sáng tự nhiên đóng vai trò làm nổi bật các đồ vật trang trí nội thất, họa tiết thường dùng là hoa văn đậm hơn màu môi trường và những món đồ décor quen thuộc như những chậu cây, hoa nhỏ xinh xắn, những cành cây khô đầy nghệ thuật, những chiếc thang – giá trang trí bằng gỗ mộc mạc hay những bức tranh và đèn thả trang trí…
Tóm gọn để nói về phong cách nội thất Bắc Âu là chú trọng đến sự cân bằng, đơn giản giữa chức năng và thẩm mỹ luôn ưu tiên sự tinh tế hơn sự cầu kỳ và sang trọng. Nếu là người nội tâm, thích sự yên tĩnh, muốn tận hưởng những phút giây bình lặng thì phong cách Bắc Âu sẽ đáp ứng cho tính cách này của bạn.
Phong cách Nhiệt đới
Nếu yêu thích vũ điệu của thiên nhiên, hãy đưa ngay phong cách nhiệt đới (hay còn gọi là phong cách Tropical) với màu xanh đặc trưng về ngôi nhà của mình. Một không gian được thiết kế theo phong cách nhiệt đới sẽ mang tới bầu không khí trong lành, tươi mát, bình yên của một hòn đảo thiên đường. Không giống với các nước Phương Tây nhất là Mỹ La tinh với kiểu màu Mexico đặc trưng (vàng, xanh san hô, đỏ), phong cách nhiệt đới ở vùng Đông Nam Á chịu ảnh hưởng đặc trưng của khí hậu gió mùa nên những gam màu như gỗ, màu trầm đỏ, vàng, tím than, … sẽ phảng phất nét Á Đông đặc trưng.
Họa tiết dễ sử dụng nhất cho phong cách này là lá cọ, lá dừa, cây chuối kiểng, những chậu phong lan, khóm trúc nhỏ và những chi tiết trang trí như mái chèo, võng, ngọn đuốc, các loài chim nhiệt đới, cá… tạo cảm giác thiên nhiên chan hòa.
Một số nội thất trang trí có thể áp dụng như một bộ sofa xanh rêu với những chiếc gối họa tiết sắc màu, những chậu cây nhiều kích cỡ.
Tơ lụa chính là chất liệu được ưa thích trong phong cách này bởi nó mang đến vẻ đẹp trang nhã, dịu nhẹ.
Nội thất phong cách nhiệt đới thường được làm từ gỗ tếch, liễu gai, mây, hoặc cỏ biển như ghế tựa, bàn cà phê hay ghế dài. Sofa và giường cũng có thể được đóng khung bằng mây tre, đan bằng liễu gai, hoặc phủ chất xơ cỏ biển.
Phong cách Vintage
Phong cách Vintage được hình thành từ giữa thế kỷ 20, chỉ những đồ dùng có thời gian cách đây 20 – 100 năm, và được dùng trong nhiều lĩnh vực: thời trang, nội thất, nhiếp ảnh, đồ họa… Phong cách vintage chính là sự pha trộn giữa phong cách cổ điển và hiện đại một cách hoàn hảo. Nó đã đem đến một hơi thở mới cho cuộc sống hiện đại với sự gần gũi, sang trọng và lãng mạn.
Đặc điểm của nội thất phong cách Vintage rất dễ để chúng ta nhận biết, nhưng sử dụng và phối hợp chúng cần một kỹ năng của người “nhà nghề”
Một chiếc đồng hồ cũ lớn được đặt giữa chiếc sofa ngả màu thời gian. Những chiếc giường ngủ bằng sắt được uốn cong một cách điệu đà. Rèm cửa ren hoặc vải cotton, voan là một đặc điểm không thể thiếu. Những họa tiết hoa hồng in trên ga, gối, giấy dán tường, rèm cửa với tone màu pastel trang nhã. Tận dụng những chiếc vali cũ với màu sắc khác nhau để tạo nên chiếc tủ đầu giường sáng tạo… Hay chỉ đơn giản là một mảng tường được treo những khung tranh mang đầy tính hoài niệm.
Màu sắc đặc trưng phong cách Vintage là các gam màu trắng, màu nude, màu be, màu kem, màu xanh nhạt, màu gỗ… Có thể nói, phong cách Vintage là tổng hòa của sự sang trọng, tỉ mỉ và tinh tế. Phong cách này sẽ rất phù hợp với người có tính cách lãng mạn, nhẹ nhàng, ngọt ngào và chu đáo.
Phong cách Retro
Đều là phong cách sử dụng yếu tố thời gian, tuy nhiên, khác với Vintage có tính hoài niệm, xưa cũ, đồ dùng thường là những đồ nội thất cũ. Retro ra đời khoảng 1950 – 1970, là sự kết hợp giữa nét cổ điển và nhịp sống hiện đại, nội thất là đồ mới, được thiết kế một cách khéo léo và tinh tế toát lên cái hồn của sự cổ xưa.
Những gam màu sử dụng trong phong cách nội thất Retro thường là những gam màu đậm, rực sáng như xanh lam đậm, đỏ đô, … thể hiện cá tính và mạnh mẽ.
Vật dụng trang trí chủ đạo trong phong cách Retro là tranh ảnh, những bức tranh sử dụng thường mang chủ đề đương đại, sự trừu tượng rõ nét. Mỗi bức tranh có thể về một nhóm ca sĩ, một ca sĩ thịnh hành trong những năm 50, 60, cũng có thể là một chủ đề trừu tượng hoặc một bức tranh với nét độc đáo, ấn tượng riêng.
Đa phần các bức tường trong căn phòng Retro sẽ sử dụng những gam màu Pastel kết hợp với trắng ngà, đây là bước đầu tiên tạo nên sự hoài cổ cho không gian nội thất Retro.
Phong cách Địa Trung Hải
Phong cách Địa Trung Hải hay gọi một cách chính xác là Địa Trung Hải Phục Hưng (Mediterranean Revival) được giới thiệu lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 19 ở Mỹ, và trở nên phổ biến trong những năm 1920 – 1930. Phong cách này là sự kết hợp hài hòa giữa các phong cách: Tây Ban Nha thời Phục Hưng, Tây Ban Nha Colonial (thuộc địa Tây Ban Nha), Ý thời Phục Hưng, Beaux-Arts, kiến trúc Gothic ở Venice.
Với phong cách Địa Trung Hải chúng ta phải chú ý đến những đặc điểm:
Đồ nội thất thường thấp, có giá đỡ hoặc chân được trang trí kỹ lưỡng; thảm trải sàn được sử dụng nhiều; giường ngủ, thiết bị chiếu sáng, lan can thường sử dụng những hoa văn sắt rèn; sử dụng nhiều gạch Mosaic, đặc biệt là cho phòng tắm.
Màu xanh olive, màu đất nung terracotta ấm, màu vàng nhạt của nắng, màu hoa lavender và màu lúa mì thơm ngát… là những màu sắc đặc trưng của Phong cách Địa Trung Hải. Những gam màu đặc trưng này có thể khiến cho những căn nhà trở nên ấm áp hơn trong mùa đông lạnh giá, tạo cảm giác bình yên, giản dị tự nhiên cho không gian.
Phong cách Nhật
Cũng giống như tính cách của con người Nhật Bản thông minh, chăm chỉ và tinh tế. Trong thiết kế nội thất, phong cách Nhật Bản mang nét hiện đại nhưng rất tinh tế, tiện nghi, thân thiện mà vẫn tối giản. Phong cách này đang được phổ biến trên thế giới và trở thành xu hướng trong thiết kế nội thất.
Khi nói đến phong cách thiết kế nội thất Nhật, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến các vật dụng, đồ nội thất bằng gỗ như bàn ghế, vách ngăn, cửa lùa gỗ kiểu Nhật, sàn nhà… Và chiếu tatimi, một loại chiếu cói truyền thống của Nhật Bản dùng để trải sàn.
Không gian sống xanh đối với người Nhật là không gian mở với nhiều hệ vách và cửa sổ nhìn ra vườn, ao hồ vừa cung cấp nguồn ánh sáng tự nhiên mà còn giúp chủ nhà có thể thư giãn uống trà. Những chậu cây xanh nhỏ xinh xắn, những chậu cây bonsai, bộ bàn trà bệt – mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc trưng nhưng vẫn hiện đại, tao nhã.
Japandi – một xu hướng thiết kế mới kết hợp phong cách Nhật Bản và phong cách Scandinese (Bắc Âu). Điểm độc đáo trong phong cách Japandi đó chính là sự kết hợp của 2 phong cách một đến từ phương Đông và một đến từ phương Tây. Tuy nhiên chúng ta vẫn có nguyên tắc để nhận biết là sự kết hợp hài hòa của 2 tông màu tương phản đối lập rất rõ nét. Thường có 2 kiểu thiết kế màu sắc đối lập trong phong cách Japandi đó là tường tối màu đi cùng đồ nội thất bằng gỗ sáng màu, hoặc ngược lại. Điều này giúp không gian trang trí nội thất Nhật Bản trở nên nổi bật tạo điểm nhấn hơn.
Phong cách Hàn Quốc
Mỗi khi xem một bộ phim Hàn Quốc, bên cạnh các diễn viên đẹp, ẩm thực hấp dẫn thì những ngôi nhà cũng gây ấn tượng không kém, dù đó là ngôi biệt thự nguy nga hay ngôi nhà bình dân cũng khiến chúng ta siêu lòng bởi sự mới mẻ, ấm cúng, tinh tế và tiện nghi.
Không gian sống thông minh, là sự chắt lọc tỉ mỉ của những yếu tố truyền thống kết hợp sự tiện nghi hiện đại. Phong cách Hàn Quốc ưu tiên lối trang trí đơn giản, ở mỗi không gian không nên bày trí hơn 10 món đồ.
Ranh giới riêng cho từng không gian nhưng vẫn giữ mạch liên kết chặt chẽ trong căn nhà, như phòng khách được thiết kế thông suốt với phòng đọc hoặc phòng ăn và được ngăn bằng một lớp kính mờ.
Những gam màu nhẹ nhàng như sữa nâu, vàng nhạt, trắng làm bật lên đặc trưng của xứ sở Kim Chi, trong từng không gian cũng bố trí một điểm nhấn ấn tượng riêng biệt có thể là chiếc bàn, giá sách, tấm thảm, hay chậu cây xanh mang gam màu nổi bật.
Sự chậm rãi, nhẹ nhàng trong cách sống của người Hàn đã thổi hồn vào trong kiến trúc của họ.
Phong cách Đông Dương (Indochine)
Đây là phong cách hình thành từ thế kỷ 20, là sự kết hợp kiến trúc Pháp với văn hoá và địa lý ở Việt Nam. Phong cách thiết kế nội thất Đông Dương là sự kết hợp tinh tế và đặc sắc giữa hai nền văn hóa Đông – Tây, nhưng phù hợp với phong cách sống, phong tục, tập quán, văn hóa, quan niệm mỹ thuật, cảnh quan và khí hậu của Việt Nam.
Phong cách Đông Dương rất dễ nhận ra qua chất liệu nội thất được làm từ tre nứa, gỗ, cột chống dầm hoặc gạch nung, những chất liệu quen thuộc trong cuộc sống của người Việt.
Màu sắc là những gam màu trung tính như vàng nhạt, nâu, trắng. Đôi khi phong cách này giữ nguyên màu đỏ của tường gạch nung trong phòng thờ, tạo ra không gian nghiêm trang nhất để thờ tổ tiên.
Đồ trang trí là những bức phù điêu tượng tròn Champa, tượng Phật, bình phong hay các đồ chạm khắc thủ công như bàn ghế/ tủ kệ.
Điều đặc biệt nhất về phong cách Đông Dương chính là phần hoa văn họa tiết mang đậm truyền thống Việt Nam từ thời Đông Sơn, An Nam. Đó là những họa tiết kỷ hà, chữ nhật và tĩnh vật, những họa tiết này được dùng để trang trí cho tường, dầm xà, vách ngăn và các vật trang trí khác.
Với đa dạng các phong cách thiết kế nội thất kể trên, tùy theo sở thích và quan điểm mỹ thuật để chúng ta có thể lựa chọn cho mình một phong cách ưng ý nhất.