Lối đi nào cho Bất động sản vượt qua Covid-19?

Covid-19 đã tạo ra những thiệt hại không thể lường trước được cho nền kinh tế toàn cầu những tháng đầu năm 2020. Bất động sản bị tác động như thế nào trước bối cảnh này và doanh nghiệp bất động sản cần làm gì để đứng vững giữa “tâm dịch” là bài toán cấp thiết cần tìm lời giải ngay lúc này.

Bất động sản thời Covid-19”

Trong thời điểm thị trường BĐS vẫn chưa hết khó khăn từ tác động của các chính sách kinh tế trong và ngoài nước, thì đầu năm 2020, dịch cúm Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu một lần nữa đã gây thêm áp lực cho nền kinh tế và làm suy yếu nhiều ngành nghề, trong đó bất động sản không phải ngoại lệ. Dịch Covid-19 tác động đáng kể tới các phân khúc như văn phòng cho thuê và BĐS nghỉ dưỡng.

Lối đi nào cho Bất động sản vượt qua Covid-19?
Thị trường BĐS tại Cần Thơ được đánh giá là ổn định khi giữa mùa dịch Covid-19 các hoạt động ra mắt dự án vẫn thu hút khách hàng

Đặc thù của ngành kinh doanh BĐS là gặp mặt tư vấn trực tiếp, tổ chức sự kiện bán hàng tập trung đông người, nhưng trong tình thế hiện nay thì các sự kiện lớn cũng hạn chế bởi tâm lí ngại đám đông. Chính vì vậy, không ít sàn giao dịch và công ty môi giới trên cả nước phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Theo số liệu mới công bố từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến hết năm 2019, có 598 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và 686 doanh nghiệp giải thể. Số lượng 686 doanh nghiệp BĐS giải thể nói trên chủ yếu là những công ty môi giới.

Nhà đầu tư có nhu cầu thực vẫn không ngừng quan tâm, lựa chọn sản phẩm đầu tư an toàn

Không chỉ vậy, dịch bệnh Covid-19 cũng đang phá vỡ nhiều dự định của các chủ đầu tư bất động sản lớn. Hầu hết các kế hoạch tung sản phẩm mới của các chủ đầu tư lớn trong năm nay cũng đang trong tình trạng “hoãn binh”. Các khu công nghiệp đang mời gọi nguồn vốn FDI từ các tập đoàn đa quốc gia cũng đang phải vất vả chờ dịch bệnh qua đi.

Một số công ty khác không dám mạo hiểm với các sản phẩm cao cấp, chỉ chào bán giai đoạn tiếp theo của dự án cũ hoặc mua đi bán lại. Và trong đó, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ đang đứng trước vực thẳm phá sản khi không thể vượt qua gánh nặng chi phí vận hành, tiền lương và đọng vốn.

Thêm một lí do chủ quan khác là tâm lí do dự, hoài nghi và “cố thủ” khiến không ít nhà đầu tư ngại xuống tiền. Thay vì mua BĐS thì tâm lí một bộ phận nhà đầu tư thích mua vàng tích trữ vì tranh thủ lúc giá vàng đang giảm, hoặc không đầu tư gì cả, chờ dịch đi qua rồi tính tiếp.

Và cũng một bộ phận không nhỏ giới tiểu thương cho rằng, các ngành nghề khác đang gặp khó khăn chung nên dòng tiền của họ cũng bị động theo, thu hồi chậm, xoay vòng vốn khó, vì thế họ ngại đầu tư những tài sản lớn tiền tỷ như BĐS, đặc biệt là phân khúc cao cấp.

Trong cái khó ló cái khôn!

Kinh tế thị trường nói chung và BĐS nói riêng đều hoạt động theo chu kỳ: đi lên, đi ngang hoặc đi xuống, tùy thuộc vào thực tế của thị trường. Ngay từ cuối năm 2019, đã có nhiều chuyên gia đánh giá BĐS năm 2020 sẽ chậm và khó khăn hơn. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát từ đầu năm tới nay đã làm suy giảm làn sóng đầu tư, thị trường bất động sản được dự báo sẽ còn chồng chất khó khăn.

Theo quy luật kinh tế thị trường, với tình hình hiện tại, sự thanh lọc sẽ diễn ra rất mạnh trong năm 2020 nhưng cũng là “lửa thử vàng” để giữ lại những doanh nghiệp uy tín, vững về tài chính, đồng thời những doanh nghiệp yếu sẽ tự khắc bị đào thải. Yếu ở đây được hiểu là cả về nguồn vốn, cả về kinh nghiệm và chất lượng nhân sự.

Doanh nghiệp BĐS muốn tồn tại phải thay đổi cách thức hoạt động: chuyên nghiệp hóa – hiện đại hóa quy trình bán hàng; lựa chọn sản phẩm uy tín, pháp lý tin cậy, phù hợp nhu cầu khách hàng và chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng bán hàng cho môi giới.

Khi thị trường khó khăn thì khách hàng cũng khó tính hơn và chỉ thực sự tin tưởng vào những công ty uy tín

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể còn kéo dài và còn rất nhiều điều chưa thể dự đoán chính xác. Để tạo ra “đề kháng” đánh bại những khó khăn của thị trường, các đơn vị doanh nghiệp BĐS cần phải thiết lập những kịch bản ứng phó bằng các chiến lược kinh doanh – tiếp thị linh hoạt, phù hợp với tình hình nhằm đối phó với khó khăn trong thời gian ngắn và dài hạn.

Theo đó, thị trường chắc chắn sẽ nhận được các sản phẩm chất lượng hơn, đa dạng hơn vì có thời gian chuẩn bị kỹ càng hơn nhiều so với trước kia. Đặc biệt là giá cả phù hợp với tài chính của đại đa số khách hàng kèm theo đó là cơ sở pháp lí tin cậy, đã có sổ đỏ, để khách hàng dễ dàng sử dụng đòn bẩy tài chính, nếu cần.

Chính vì vậy, xét ở khía cạnh nào đó, khó khăn do đại dịch Covid-19 cũng được xem là cơ hội cho những người có nhu cầu thực. Đây được coi là thời điểm “vàng” để rót vốn, bởi đầu tư trong giai đoạn này sẽ có nhiều lựa chọn ưng ý, giá cả hợp lý và có khả năng nhận được những ưu đãi tốt từ các chủ đầu tư.

Thậm chí, nếu nhìn ở góc độ tích cực thì nhiều người sẽ mua được nhà dễ hơn nhờ mức giá được điều chỉnh hợp lý. Thị trường không bị ảnh hưởng bởi giới đầu cơ hay đầu tư lướt sóng, đây được xem là sân chơi của giới đầu tư có nhiều tiền nhàn rỗi.

Thu hút nhân tài và đào tạo nâng cao kỹ năng cho môi giới là chìa khóa thành công của các doanh nghiệp BĐS

Quan trọng hơn hết, để duy trì và nâng cao “sức khỏe” trong giai đoạn khó khăn này các doanh nghiệp BĐS đồng thời phải luôn đề cao chính sách phúc lợi cho cán bộ nhân viên như hoa hồng, thưởng, phụ cấp… để thu hút nhân tài; tuyển dụng và đào tạo nâng cao chất lượng nhân viên. Đồng thời tuyên truyền nội bộ cho cán bộ nhân viên ý thức gìn giữ sức khỏe, chung tay đẩy lùi Covid-19 hướng đến mục tiêu an toàn cho sức khỏe của đồng nghiệp, khách hàng và cộng đồng xã hội.

Nếu thực sự đủ tiềm lực và bản lĩnh, các doanh nghiệp BĐS vẫn có thể an tâm “vượt vũ môn” giữa thời dịch bệnh.

Theo Đất Xanh Miền Tây

Scroll to Top