Về với Sóc Trăng để trải nghiệm sức hấp dẫn từ vùng đất đến con người

Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây, Sóc Trăng nổi lên với sức hút đặc biệt từ nét đẹp văn hóa, thiên nhiên, con người bên cạnh những tiềm năng phát triển đến ngỡ ngàng.

Mảnh đất thơ mộng, hữu tình

Là mái nhà chung hội tụ các dân tộc anh em Kinh – Hoa – Khmer, Sóc Trăng được biết đến như một vùng đất đẹp, giàu bản sắc văn hóa giao thoa lâu đời kéo dài đến nay đã hơn 300 năm. Nét đặc trưng này đã thắt chặt thêm truyền thống đoàn kết, tương trợ, chia sẻ yêu thương; trách nhiệm cộng đồng trong việc xây dựng, thúc đẩy sự phát triển của quê hương. Điều này được thể hiện rõ nét trong các hoạt động thường ngày, trong văn hóa tâm linh tín ngưỡng, trong lao động sản xuất và đặc biệt là trong các dịp lễ hội.

Lễ hội đua ghe ngo – Oóc Om Bóc hàng năm đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của Sóc Trăng

Các lễ hội ở Sóc Trăng rất đa dạng, phong phú, được diễn ra quanh năm và thể hiện nét văn hóa tâm linh tín ngưỡng tốt đẹp của người dân sinh sống trong vùng, nhằm tạ ơn trời đất, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đạo bình yên… Điển hình chính là lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer diễn ra vào rằm tháng 10 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo các đội đua cũng như du khách từ nhiều tỉnh thành như: Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, An Giang, Cần Thơ,…về tham dự.

Năm 2013, lễ hội được Chính phủ cho phép nâng lên thành Festival đua ghe ngo đồng bào Khmer khu vực ĐBSCL. Đây là lễ hội có tính cộng đồng lớn, mang tầm khu vực và quốc gia; là nơi hội tụ, gặp gỡ của những sắc màu văn hóa, tạo cơ hội kết nối các sản phẩm văn hóa – du lịch, nhằm thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, tạo bước đệm mới cho Sóc Trăng nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung hội nhập kinh tế.

Bên cạnh đó, các công trình kiến trúc độc đáo như: Chùa Dơi, Chùa Kh’leang, Chùa Phật học, Bảo tàng Khmer, và các điểm du lịch mang nét đẹp hiền hậu của vùng sông nước như Chợ nổi Ngã Năm, Vườn cò Tân Long, cồn Mỹ Phước bên dòng sông Hậu, Khu du lịch Hồ nước ngọt hay mới đây là Khu du lịch Giếng Tiên của nghệ sĩ Quyền Linh được đầu tư 200 tỷ đồng… là những điểm đến mà du khách gần xa khi lần đầu đến Sóc Trăng không thể bỏ qua. Chính nét đẹp văn hóa đa dạng và độc đáo đã khiến Sóc Trăng trở thành mảnh đất huyền bí, níu chân du khách và tạo được sự riêng biệt khác lạ để phát triển du lịch, đặc biệt là văn hóa tâm linh và lễ hội dân tộc.

Nội lực phát triển lớn

Bên cạnh việc xác định nông – thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn, trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Sóc Trăng đang tập trung phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là thế mạnh công nghiệp biển. Một cú hích trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội tỉnh Sóc Trăng chính là chủ trương đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề thành cảng đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực ĐBSCL.

Từ vị trí xây dựng cảng Trần Đề sẽ kết nối với mạng lưới giao thông thủy, bộ liên vùng thông qua QL1, QL Nam Sông Hậu (kết nối các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu với TP Cần Thơ, TP HCM và với cả nước); QL60 (bao gồm cầu Đại Ngãi) nối các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng; tuyến Quản Lộ – Phụng Hiệp nối Hậu Giang, Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau.

Sóc Trăng sở hữu địa thế thuận lợi để phát triển kinh tế biển và kết nối với các tỉnh thành lân cận thông qua hệ thống giao thông đang được đầu tư đồng bộ

Theo các cơ quan ban ngành, 8 tỉnh khu vực ĐBSCL (gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh) các khu công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy gần 70%, sản lượng hàng hóa thông qua đạt khoảng 8,6 triệu tấn. Mục tiêu đến năm 2030 đạt tỷ lệ lấp đầy 100% với khối lượng hàng luân chuyển là 23,2 triệu tấn.

Việc đầu tư xây dựng cảng Trần Đề sẽ tạo điều kiện để phát triển các dịch vụ, logistics, hạ tầng… đặc biệt là việc xuất khẩu hàng hóa từ các cụm công nghiệp của 8 tỉnh thành này thông qua các cảng thuộc vùng sông Hậu và bán đảo Cà Mạu, hàng trung chuyển cho Campuchia, thu hút các hãng tàu tải trọng lớn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện của khu vực ĐBSCL đặc biệt là Long Phú và sông Hậu, tác động đến các chiến lược, quy hoạch kết cấu hạ tầng GTVT kết nối từ ĐBSCL đến TP HCM.

Nói riêng về Sóc Trăng, theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, tỉnh Sóc Trăng có 5 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 1.106ha và phê duyệt thành lập 9 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích trên 410ha, trong đó đã lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 6 CCN tại: Ngã Năm, Vĩnh Châu, Thạnh Phú, Ấp Nhì, Xây Đá B và An Thạnh.

Các KCN và CCN này được quy hoạch ở vị trí thuận lợi về giao thông, thu hút lực lượng lao động ở địa phương dồi dào cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư, là những điều kiện tốt cho các nhà đầu tư đến Sóc Trăng.

Có thể nói chủ trương đầu tư xây dựng cảng Trần Đề với số vốn hơn 40.000 tỷ đồng cùng việc phát triển khu công nghiệp Trần Đề quy mô 160ha, vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng đã tạo cú hích cho Sóc Trăng trở thành vùng đất đầy hấp dẫn trong thời gian tới.

Leave a Comment

Scroll to Top