Tận dụng thế mạnh, tiềm năng và có những mục tiêu đột phá, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu đóng góp những chỉ số kinh tế ấn tượng trong năm 2021, là triển vọng của tỉnh trong phát triển 5 trụ cột kinh tế.
Toàn tỉnh khởi sắc từ đầu nhiệm kỳ
Trong nhiệm kỳ 5 năm (2021-2025), Bạc Liêu tập trung mọi nguồn lực cho phát triển chiều sâu năm trụ cột kinh tế gồm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo (điện gió, khí, mặt trời); du lịch; thương mại-dịch vụ-giáo dục-y tế chất lượng cao; kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ dù bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, các chỉ số tăng trưởng kinh tế – xã hội của Bạc Liêu tiếp tục giữ ổn định và có ngành, lĩnh vực tăng so với cùng kỳ.
Báo cáo tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2021 cho kết quả, Bạc Liêu dẫn đầu toàn vùng ĐBSCL với tốc độ tăng trưởng đạt 7,17%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 3,06% năm 2020. Trong đó, Bạc Liêu gặt hái được nhiều thành tựu ở các lĩnh vực: nông nghiệp tăng 6,4%, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 10,9% và dịch vụ tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Trong đó có những huyện có đóng góp vượt bậc cho 5 trụ cột kinh tế Bạc Liêu, điển hình là huyện Đông Hải và Hòa Bình.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Được thiên nhiên ưu ái về khí hậu và vị trí địa lý thuận lợi, huyện Hòa Bình giáp với biển Đông và sở hữu bờ biển dài gần 20km tạo điều kiện cho huyện phát triển nhiều lĩnh vực.
Đối với nghề nuôi tôm, huyện đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để tăng sản lượng và chất lượng, cũng như tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích; triển khai áp dụng các mô hình sản xuất, nuôi tôm công nghịêp – bán công nghiệp; nuôi tôm quảng canh cải tiến…
Trong lĩnh vực sản xuất muối, Hòa Bình có diện tích sản xuất muối khá lớn, tập trung ở hai xã Vĩnh Thịnh và Vĩnh Hậu với gần 500ha. Ở mùa vụ 2020-2021 chất lượng và năng suất ngày càng cải thiện, cùng với huyện Đông Hải sản xuất gần 50.000 tấn muối.
Phấn đấu xây dựng từ 01- 02 điểm du lịch huyện trong năm 2021, tiếp tục đầu tư mới các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch: Khu du lịch sinh thái – tâm linh xã Vĩnh Thịnh; du lịch sinh thái rừng ngập mặn; các di tích lịch sử cấp tỉnh …
Kinh tế biển là một trong những lĩnh vực tiềm năng phát triển của huyện, giá trị của nuôi trồng thủy sản, nguồn vốn đầu tư cho nuôi trồng thủy sản vùng ngập mặn trên địa bàn huyện liên tục tăng lên qua các năm. Ngành khai thác hải sản chuyển dịch đầu tư theo hướng giảm phương tiện khai thác ven bờ và tăng năng lực khai thác hải sản xa bờ đã đem lại hiệu quả khá cao, vừa tạo ra những mặt hàng có giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Nhất là lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là trọng điểm phát triển của tỉnh, giữ vai trò quan trọng trong 5 mục tiêu trụ cột. Huyện Hòa Bình càng cho thấy thế mạnh khi thu hút các dự án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và xây dựng mô hình công nghiệp sạch như Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 (giai đoạn 1), Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 (giai đoạn 2), dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD, là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vùng ĐBSCL từ trước tới nay. Và mới đây nhất, là dự án Nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1 do Tập đoàn Kosy làm chủ đầu tư đang tập trung tăng tốc đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành trước ngày 30/9/2021, rút ngắn 1 tháng so với kế hoạch đã đặt ra.
Phát triển mọi mặt kinh tế xã hội
Địa phương ngày càng phát triển, bộ mặt kinh tế – xã hội có nhiều thay đổi tích cực, cải thiện thu nhập người dân từ 18 triệu đồng/người/năm (2010) lên hơn 50 triệu đồng/người/năm (2019). Với những triển vọng vượt bậc, Hòa Bình sẽ cùng các huyện và đầu tàu là TP Bạc Liêu hoàn thành 5 trụ cột kinh tế – xã hội.
Với sự bùng nổ của các khu vực sản xuất, quá trình công nghiệp hóa cũng diễn ra tích cực, thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp – dịch vụ, cùng với những đổi mới trong chính sách, quy định và sự cởi mở của địa phương… là những yếu tố thúc đẩy bất động sản Hòa Bình triển vọng trong thời gian tới.
Sở hữu vị trí giao thông chiến lược, huyện Hòa Bình có 12km tuyến QL1A chạy qua, phía Đông giáp TP Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi, phía Tây giáp huyện Đông Hải và Giá Rai, phía Bắc giáp huyện Phước Long. Đây là điều kiện thuận lợi trong thu hút, đầu tư xây dựng các dự án BĐS hoàn chỉnh, khơi sáng diện mạo đô thị.
Khu dân cư ven sông Hòa Bình của chủ đầu tư Công ty Bình Dương Bạc Liêu đang là dự án góp phần hoàn thiện đô thị địa phương. Với quy hoạch bài bản, định hướng xây dựng trở thành khu dân cư kiểu mẫu tại trung tâm thị trấn Hòa Bình, cũng chính là biểu trưng cho sự thành công của huyện trong công cuộc phát triển kinh tế, xứng tầm khi tiến lên thị xã trong tương lai. Cũng là tiền đề tạo động lực thu hút các doanh nghiệp địa ốc, nhà đầu tư BĐS trong thời gian tới.
Dấu ấn tăng trưởng tại Hòa Bình là tiền đề để địa phương xây dựng phát triển kinh tế cho tỉnh Bạc Liêu và toàn vùng ĐBSCL, khẳng định dấu ấn của địa phương cũng như sự chỉ đạo đúng đắn của các cấp ban ngành nhằm thúc đẩy kinh tế và thu hút đầu tư tại tỉnh nhà.
Chúc Ly