Rời Trung Quốc sang Việt Nam là chiến lược của Samsung và nhiều tập đoàn công nghệ khác do chi phí lao động tăng và suy thoái kinh tế tại quốc gia này.
Giảm dần “Made in China”
Trung Quốc ngày càng mất đi lợi thế cạnh tranh trên đường đua hút vốn đầu tư công xưởng toàn cầu do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và sự hấp dẫn cạnh tranh của nước láng giềng Việt Nam.
Theo Reuters, Samsung Electronics Co.Ltd đã chính thức ngừng sản xuất điện thoại di động tại Trung Quốc khi vấp phải những khó khăn cạnh tranh với nhiều hãng điện thoại khác, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng khốc liệt hơn.
Samsung – một trong những thương hiệu công nghệ đắt giá bậc nhất trên thế giới
“Gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc đã cắt giảm sản xuất tại nhà máy ở thành phố Huệ Châu (được xây dựng năm 1992) vào tháng 6 và đình chỉ một nhà máy khác vào cuối năm ngoái sau khi các nhà sản xuất khác chuyển đi do chi phí lao động tăng và suy thoái kinh tế lan rộng tại quốc gia này. Samsung không tiết lộ công suất và số lượng nhân viên được cho là “khổng lồ” đang làm việc tại nhà máy này.
Trung Quốc đang mất dần lợi thế cạnh tranh
Theo một nghiên cứu, thị phần của Samsung tại Trung Quốc đã giảm xuống 1% trong quý đầu tiên ở mức 15% vào giữa năm 2013 kèm theo doanh số của Samsung thua xa các hãng công nghệ nội địa như Huawei và Xiaomi.
Theo ông Park Sung-Soon, một nhà phân tích tại Cape Investment & Securities, người dân Trung Quốc mua điện thoại thông minh giá rẻ từ các thương hiệu nội địa và điện thoại cao cấp từ Apple hoặc Huawei. Samsung có rất ít hy vọng để tăng trưởng doanh số.
Samsung cho hay họ đã rất khó khăn khi phải đưa ra quyết định này trong nỗ lực cứu vớt tình hình, song mọi chuyện không dễ dàng. Họ rời đi nhưng vẫn sẽ duy trì bán điện thoại tại Trung Quốc.
Truyền thông Hàn Quốc cho biết, Samsung đã thuê 6.000 công nhân và sản xuất 63 triệu thiết bị trong năm 2017. Theo báo cáo hàng năm, Samsung đã cung cấp 394 triệu thiết bị di động trên toàn thế giới.
Gần đây, những biến động trong thương mại toàn cầu đã khiến Samsung quyết định rút lui dần khỏi quốc gia đông dân số 1 thế giới. Đối với riêng Trung Quốc, đây là một điều dấy lên mối quan ngại lớn hơn về tương lai kinh tế được xem là “công xưởng thế giới” và vai trò của nước này trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tỷ lệ sinh giảm sút, chi phí lao động ngày càng tăng cao và những căng thẳng thương mại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đang khiến các hãng sản xuất công nghệ phải xem xét lại sự phụ thuộc của mình vào các nhà máy lắp ráp đặt tại Trung Quốc.
Tương tự, Sony cũng cho biết, họ sẽ đóng cửa nhà máy điện thoại thông minh Bắc Kinh và sẽ chỉ sản xuất điện thoại thông minh ở Thái Lan. Còn Apple vẫn sản xuất các sản phẩm lớn tại Trung Quốc nhưng họ cũng đang dự phòng kế hoạch cho những thị trường mới tự do và an toàn hơn.
Cơ hội lớn cho Việt Nam
Trong bối cảnh này, Việt Nam nổi lên như một sự thay thế mạnh mẽ, nhờ vào sự gần gũi về vị trí địa lý với Trung Quốc giúp thuận lợi cho việc cung ứng linh kiện dễ dàng từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, chi phí lao động thấp nhưng tay nghề ngày càng được nâng cao cũng là yếu tố tiềm năng để các hãng công nghệ nối tiếng thế giới cân nhắc lựa chọn Việt Nam là điểm đến an toàn.
Những năm gần đây, công ty Samsung đã mở rộng sản xuất điện thoại thông minh ở các nước có chi phí thấp hơn, như Ấn Độ và Việt Nam với những động thái “rục rịch” từ những năm 2000. Việt Nam sau đó trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu của Samsung với khoảng 200.000 công nhân làm việc tại TPHCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên.
Việt Nam hiện có 4 nhà máy sản xuất của Samsung
Theo tờ Nikkei Asian Review, Goertek, một trong những đối tác sản xuất tai nghe chính cho Apple, sẽ đầu tư vào nhà máy sản xuất tai nghe AirPods thế hệ mới nhất của Apple tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Hiện Goertek có 2 nhà máy lắp ráp tại khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) và thời gian gần đây, Goertek chi nhánh tại Việt Nam liên tục đăng tin tuyển dụng nhân sự, nhiều khả năng là để chuẩn bị cho dây chuyền lắp ráp AirPods mới của Apple.
Trước AirPods thì loại tai nghe EarPods (tai nghe có dây truyền thống) trên các phiên bản iPhone cũ (hỗ trợ giắc cắm 3,5mm) của Apple cũng đã từng được sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó AirPods kể từ lúc được ra mắt phiên bản đầu tiên cho đến nay, tất cả đều được sản xuất tại Trung Quốc.
Nhiều hãng công nghệ lớn khác cũng đang cân nhắc chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam để tránh việc sản phẩm bị đánh thuế nhập khẩu vào Mỹ khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng.
Các hãng sản xuất máy tính HP Inc. và Dell Technologies dự định chuyển 30% công suất sản xuất máy tính xách tay ra khỏi Trung Quốc. Theo một số nguồn tin, Google đang chuyển sản xuất điện thoại Pixel, thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ năm ở Mỹ, sang Việt Nam, sớm nhất là vào mùa thu này. Google cũng có kế hoạch chuyển sản xuất phần lớn lượng phần cứng cho thị trường Mỹ sang Việt Nam.
Trong bối cảnh những “gã khổng lồ” dẫn đầu xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, vùng kinh tế ĐBSCL đang đứng trước thời cơ rất lớn thu hút đầu tư khi mang trong mình nhiều lợi thế. Đây là khu vực mà ngay ở thời điểm này quỹ đất rộng, khí hậu ôn hòa, nguồn nhân công trẻ dồi dào, chi phí lao động thấp… tạo nên những thuận lợi hiếm có, phù hợp nhu cầu xây dựng công xưởng của những “ông lớn” trên toàn cầu. ĐBSCL với những động thái tích cực trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chính là điểm đến lý tưởng của các tập đoàn kinh tế đa nghành nghề trên thế giới.
Nguồn: tổng hợp từ Internet