Bạc Liêu tăng tốc trong năm 2022 nhờ thúc đẩy từ 4 yếu tố

Với lợi thế 56km đường bờ biển, 4 cửa sông lớn và lượng nắng, tốc độ gió tốt… là cơ sở để Bạc Liêu phát huy tố 4 thế mạnh: Năng lượng sạch – Kinh tế biển – Nuôi tôm công nghệ cao – Cơ sở hạ tầng. Đây đồng thời cũng là 4 yếu tố sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản Bạc Liêu tăng trưởng mạnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đô thị Bạc Liêu khang trang ngày càng hấp dẫn du khách và nhà đầu tư
Đô thị Bạc Liêu khang trang ngày càng hấp dẫn du khách và nhà đầu tư

Tiềm năng phát triển Năng lượng sạch

Một trong những kỳ tích của Bạc Liêu đó là trong 10 năm thu hút thành công 10 dự án điện gió. Ngoài ra hiện nay tỉnh có 27 dự án điện gió khác đang trình bổ sung quy hoạch điện VIII quốc gia.

Các dự án điện gió quy mô lớn đang hoạt động tại Bạc Liêu phải kể đến Nhà máy điện gió Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch Đông TP Bạc Liêu) được xây dựng từ năm 2010, tổng mức vốn đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng, công suất 16 – 83MW. Đến nay nhà máy đã đóng góp sản lượng điện đạt 1 tỷ kWh, ngoài ra còn trở thành điểm tham quan, check-in thú vị đối với du khách gần xa khi ghé thăm Bạc Liêu.

Điện gió Bạc Liêu đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh nhà đồng thời là điểm tham quan thú vị
Điện gió Bạc Liêu đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh nhà đồng thời là điểm tham quan thú vị

Tiếp theo đó là Nhà máy điện gió Hòa Bình tại xã Vĩnh Hậu A và xã Vĩnh Hậu – huyện Hòa Bình, tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, công suất 50 MW (giai đoạn 1 đã đưa vào hoạt động, hiện đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành giai đoạn 2).

Đồng thời, Nhà máy điện gió Kosy (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng, công suất 40,5 MW 1.600 đã đi vào vận hành thương mại từ cuối tháng 10 năm ngoái.

Ngoài ra tỉnh cũng đang mời gọi 8 nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu khảo sát 5 dự án đang tiến hành đo gió: Hòa Bình 2, Hòa Bình 3, Đông Hải 2, Đông Hải 3 và Vĩnh Lợi.

Thành công nổi bật của Bạc Liêu trong lĩnh vực này chính là việc thu hút 1 dự án FDI (đến từ một doanh nghiệp Singapore) vào dự án Nhà máy LNG Bạc Liêu 3.200 MW có tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ USD. Đây được xem là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ĐBSCL tính tới thời điểm này, đồng thời giúp Bạc Liêu trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI năm 2020 ở lĩnh vực năng lượng.

Hiện, dự án đang đẩy nhanh các thủ tục để bước sang giai đoạn đầu tư. Đây được xem là cú hích để kinh tế Bạc Liêu phát triển đồng thời thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân khu vực.

Thế mạnh nuôi tôm công nghệ cao

Bạc Liêu có 135.000 ha nuôi tôm, chiếm khoảng 50% diện tích toàn tỉnh. Đặc biệt mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mang lại năng suất cao gấp 10-15 lần so với nuôi tôm thông thường được nông dân hưởng ứng. Tỉnh có khoảng 500 hộ dân nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và khoảng trên 30 doanh nghiệp ứng dụng sản xuất, nuôi tôm công nghệ cao kết hợp điện năng lượng mặt trời, mang lại doanh thu và lợi nhuận hấp dẫn cho người nông dân Bạc Liêu.

Trong đó phải kể đến những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Việt Úc, Công ty Long Mạnh, Công ty Huy Long An – Bạc Liêu, Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam… Bạc Liêu có khoảng 7 cơ sở nuôi tôm được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản.

Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản của tỉnh đạt khoảng 776 triệu USD trước bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên tỉnh đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản đạt 922 triệu USD trong năm nay và tương lai gần phải đạt 1 tỷ USD, từ đó đóng góp cho ngân sách tỉnh nhà cũng như đời sống của các hộ dân nuôi tôm sẽ càng thịnh vượng.

Nhờ các thế mạnh ấy, Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ chọn làm thủ phủ cho ngành tôm của cả nước. Và tỉnh Bạc Liêu cũng đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu “Tôm giống Bạc Liêu” và “Tôm Bạc Liêu” để tạo tiền đề trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Thúc đẩy kinh tế biển

Đường bờ biển dài 56km với vùng ngư trường rộng lớn 20.000km2 đã tạo điều kiện cho nghề nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản tại Bạc Liêu phát triển. Tỉnh đặt mục tiêu tổng sản lượng khai thác biển và nội địa đạt khoảng 150.000 – 200.000 tấn/năm với cơ sở vật chất được trang bị hiện đại, tàu công suất lớn và tuân thủ các quy định quốc tế về bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản.

Về nghề làm muối, năm 2020 với điều kiện khí hậu tự nhiên thuận lợi, bà con diêm dân Bạc Liêu (tập trung chủ yếu tại hai huyện Hòa Bình và Đông Hải) đạt được sản lượng và năng suất cao nhất trong gần 10 năm gần đây, bà con thu lãi từ 40-50 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, biển còn mang đến cho Bạc Liêu nguồn hải sản tươi ngon tại các cửa sông lớn, cũng là lợi thế hấp dẫn khách du lịch khi đến Bạc Liêu. Năm 2021 tỉnh thu hút 1,8 triệu lượt khách mang về doanh thu 1.650 tỷ đồng. Chưa dừng lại đó, với sự hồi phục của nền kinh tế và kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như tốc độ tiêm vaccine mũi 3 nhanh nhất cả nước, tỉnh phấn đấu năm 2022 doanh thu ngành du lịch dịch vụ ước đạt hơn 3.200 tỷ đồng (vượt gần 100% kết quả năm 2021).

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng

Xác định cơ sở hạ tầng là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư và phát triển đô thị, tỉnh Bạc Liêu tập trung mạnh lĩnh vực này. Cụ thể trong danh mục 132 dự án kêu gọi đầu tư trong năm nay, tỉnh ưu tiên thu hút nhà đầu tư lớn có tiềm lực và kinh nghiệm ở lĩnh vực kết cấu hạ tầng (23 dự án); thương mại và nhà ở (66 dự án), công nghiệp (7 dự án)…

Các huyện đô thị vệ tinh Bạc Liêu như trị trấn Hòa Bình đang đô thị hóa mạnh

Trong đó xét riêng các dự án cao tốc kết nối liên vùng, ngoài tuyến Quản Lộ Phụng Hiệp đã hoàn thiện mở rộng nâng cấp, tỉnh đang đón 2 tuyến cao tốc lớn là Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu (quy mô 33.000 tỷ đồng) và Cao tốc Cần Thơ – Bạc Liêu – Cà Mau, quy mô khoảng 49.000 tỷ đồng.

Đây là hai tuyến huyết mạch vùng ĐBSCL, dự kiến hoàn thành trước năm 2026 và khi hoàn thành sẽ kết nối trục ngang và trục dọc vùng ĐBSCL nhất là các tỉnh duyên hải miền Tây và các tỉnh thành khác trong đó kết nối thẳng đến khu vực kinh tế cửa khẩu Campuchia.

Ngoài ra tỉnh còn hưởng lợi từ tuyến Vành đai ven biển (quy hoạch giai đoạn 2021-2025 có tổng mức vốn 5.300 tỷ đồng) kết nối TPHCM và các tỉnh miền Tây.

Các lợi thế kể trên một lần nữa khẳng định Bạc Liêu sẽ tăng tốc về mọi mặt trong thời gian tới. Kinh tế xã hội phát triển sẽ kéo theo đô thị hóa phát triển, thu hút đầu tư và đời sống cư dân địa phương chắc chắn sẽ nâng tầm; mở ra cánh cửa đầy cơ hội cho thị trường bất động sản Bạc Liêu phát triển trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Leave a Comment

Scroll to Top