Trong tuần vừa qua, không còn Ngân hàng thông báo điều chỉnh tăng lãi suất, thậm chí một vài ngân hàng còn công bố lãi suất mới thấp hơn nhiều so với trước đó. Kênh tiền gửi có còn hấp dẫn nhà đầu tư Bất Động Sản?
Cuộc đua lãi suất ngân hàng chững lại
Chiều ngày 22-12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản số 9064/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung về công tác tín dụng, lãi suất trong thời gian tới.
Thứ nhất, đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, phải kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng, đặc biệt là chứng khoán, bất động sản; trong đó, phải kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng và nhóm khách hàng lớn, các dự án quy mô lớn, phân khúc cao cấp.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.
Thứ ba, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư, các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế. Đồng thời, tập trung cấp tín dụng cho sản xuất kinh doanh, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 3 động lực tăng trưởng kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Đối với lĩnh vực bất động sản: ưu tiên cấp vốn xây dựng khu công nghiệp; cho vay đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân; các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao có khả năng thanh toán nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có tính thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các dự án nhà ở thương mại có mức giá phù hợp.
Theo chỉ thị của Thống đốc, các tổ chức tín dụng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài không tiếp tục tăng lãi suất huy động, giảm lãi vay, thậm chí một số ngân hàng còn công bố mức lãi suất thấp hơn so với trước đó. Theo đó, 240.000 tỷ đồng ước được bơm vào nền kinh tế vừa được công bố trong tháng 12 này sẽ ưu tiên cho các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt, lãi suất thấp.
Đơn cử, ngân hàng Sacombank đã công bố giảm 1% lãi suất cho vay đối với tất cả các khách hàng kể từ ngày 16/12, ngân hàng Nam A Bank cũng vừa công bố giảm lãi suất cho vay từ 1,5-2,5 điểm %, KienlongBank cũng giảm lãi suất cho vay từ 1-2 điểm % đối với từng đối tượng cụ thể thông qua chương trình ưu đãi lãi suất…
Ngân hàng MSB điều chỉnh giảm 0,4 điểm % lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn kể từ ngày 19/12, kỳ hạn 13-36 tháng giảm từ 9,4%/năm xuống còn 9%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,3%/năm xuống còn 8,9%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng giảm từ 9,2%/năm còn 8,8%/năm.
Ngày 20/12, ngân hàng Saigonbank cũng công bố mức lãi suất huy động giảm mạnh 0,4 – 1 điểm % ở nhiều kỳ hạn, theo đó lãi suất cao nhất tại ngân hàng này đã giảm từ 10,5% xuống mức 9,5%/năm, tương tự, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm còn 9,2%/năm, kỳ hạn 9 tháng giảm còn 9,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm còn 9,4%/năm. Cùng ngày, ngân hàng Baovietbank giảm mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1-3 tháng còn 5,65%/năm và 5,9%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 8,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 9,4%/năm. Trước đó, lãi tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng này lên tới 10,3%/năm cho kỳ hạn 15 tháng.
Tuy nhiên, cách đây khoảng gần 2 tháng, các ngân hàng từng đồng loạt tăng lãi suất huy động, cuộc đua tăng lãi suất đã thu hút không ít nhà đầu tư và người dân có dòng tiền nhàn rỗi ồ ạt gửi tiền tiết kiệm thay vì rót tiền vào các kênh đầu tư khác. Nhưng kỳ thực việc tăng lãi suất chỉ là ngắn hạn và “tạm bợ”, không phải là giải pháp đầu tư tối ưu trong trung và dài hạn.
Hướng đi nào cho nhà đầu tư?
Trước việc quay đầu giảm lãi suất của các tổ chức tín dụng, gửi tiền tiết kiệm không còn mấy hấp dẫn, các nhà đầu tư gạo cội bắt đầu loay hoay tìm kiếm kênh đầu tư ổn định và sinh lời lâu dài. So với các kênh đầu tư từng thăng hạng như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản… thì bất động sản vẫn là kênh được ưu tiên hàng đầu dù hiện nay gặp nhiều “trắc trở”.
Bất động sản là 1 trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp thứ 9 về quy mô giá trị. Năm 2021 ngành kinh doanh BĐS đã đóng góp 3,58% GDP, xây dựng 5,95% GDP; riêng 6 tháng đầu năm 2022, BĐS đã đóng góp 3,32%GDP, xây dựng 5,44% GDP. Bất động sản có liên quan đến khoảng 35 lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và là lĩnh vực xếp thứ 2 cả nước về thu hút FDI, chiếm khoảng 10% nguồn vốn nước ngoài đăng ký hàng năm, luỹ kế đến tháng 9/2022, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt hơn 3,5 tỷ USD, chiếm khoảng 19% tổng vốn đăng ký.
Đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, bất động sản dù đang đối mặt với không ít thách thức, chủ yếu là vướng về vấn đề nguồn vốn và pháp lý nhưng chỉ là khó khăn nhất thời. Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có những động thái tích cực, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, khơi thông các điểm nghẽn để sớm đưa thị trường bất động sản quay về quỹ đạo.
Cụ thể, ngày 17-11, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác nhằm rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Các dự thảo sửa đổi Luật liên quan đến bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS đang được các cơ quan quản lý, các chuyên gia bàn bạc, thảo luận và đề xuất các kiến nghị sửa đổi nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, vững chắc nhằm quản lý chặt chẽ và đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh bất động sản, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Pháp lý được khơi thông sẽ tạo nên cú hích cho thị trường bất động sản bứt phá. Hàng nghìn dự án bất động sản “bị kẹt” do chồng chéo về pháp lý sẽ được triển khai nhanh chóng, bơm vào thị trường nguồn cung dồi dào, đáp ứng lượng cầu lớn về nhà ở và nhu cầu đầu tư đang “dồn nén” trong thời gian qua. Mặt khác, pháp lý hoàn thiện sẽ lấy lại niềm tin của người dân và nhà đầu tư, từ đó cải thiện nhanh thanh khoản của thị trường.
Về vấn đề nguồn vốn, trong năm 2022 Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần công bố nới room cho các tổ chức tín dụng, ước bơm vào nền kinh tế tổng hơn 300 nghìn tỷ đồng, nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay lên 15,5 – 16%. Theo đó, không chỉ riêng sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, công nghiệp và 3 động lực tăng trưởng kinh tế của Thủ tướng Chính phủ gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu được rót tiền, lĩnh vực bất động sản cũng sẽ được khơi thông dòng chảy về nguồn vốn, từ đó kích hoạt và thu hút các dòng tiền khác quay trở lại thị trường.
Các doanh nghiệp bất động sản sẽ có thêm dòng tiền để tiếp tục triển khai dự án, đảm bảo tiến độ xây dựng dự án bàn giao cho cư dân; còn người mua nhà sẽ tiếp cận được vốn vay dễ dàng hơn. Từ đó, bắt nhịp và tạo đà cho thị trường bất động sản trở lại đường đua, giao dịch nhộn nhịp, thanh khoản hồi phục.
Nguồn vốn và pháp lý là hai điểm nghẽn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay, đã sớm được “đả thông” kịp thời về dòng tiền vào cuối năm 2022. Còn vấn đề pháp lý, các chuyên gia dự đoán trong năm 2023 các Luật liên quan đến bất động sản sẽ là tâm điểm bàn thảo để sớm ban hành, áp dụng vào năm 2024.
Đứng trước những ngã rẽ hấp dẫn về lợi nhuận nhất thời, nhà đầu tư cần thận trọng, phân tích kỹ càng tiềm năng sinh lời bền vững và lâu dài của các kênh đầu tư, tránh chạy theo tâm lý đám đông để rồi “hụt hẫng” trong phút chốc. Không chỉ là lĩnh vực quan trọng đóng góp nguồn ngân sách lớn cho nền kinh tế quốc gia, xét về trung và dài hạn, đối với giới sành đầu tư bất động sản là kênh đầu tư “quốc dân” không những an toàn, mang đến lợi nhuận “khủng”, mà còn để khẳng định dấu ấn cá nhân.