Với sự tăng trưởng nhanh về tốc độ đô thị hóa và tình trạng lực lượng lao động đang có xu hướng “già hóa”, cơ hội việc làm cho các bạn trẻ ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng trên thị trường lao động nói chung và ngành bất động sản nói riêng đang dần khan hiếm và đối mặt với không ít khó khăn, thách thức của quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng hiện nay.
Cơ hội và thách thức của nghề trước biến động của thị trường
Ước tính hàng năm, bất động sản (BĐS) đóng góp gần 8% GDP của nền kinh tế. Đặc biệt, lĩnh vực BĐS có ảnh hưởng đến khoảng 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú – ăn uống và tài chính – ngân hàng… So với 10 năm trước đây, thị trường BĐS hiện nay đang có sự tăng trưởng ngoạn mục. Tuy nhiên, sự phát triển của nguồn nhân lực lĩnh vực này chưa tương xứng với nhu cầu, sự phát triển của thị trường và hiện còn tồn đọng nhiều thách thức.
Nhu cầu nhân sự cho BĐS hiện đang xếp thứ 7/11 các nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao. Theo nghiên cứu, nhu cầu tuyển dụng ngành BĐS giai đoạn 2016 – 2020 khá lớn, bình quân chiếm 4,15% tổng nhu cầu nhân lực/năm, nhiều nhân sự trái ngành cũng quan tâm và ứng tuyển bởi kinh doanh BĐS được coi là một trong 12 ngành hấp dẫn nhất tại Việt Nam hiện nay và “đầu vào” không nhất thiết phải đúng chuyên ngành.
Theo đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực BĐS hiện nay chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, bởi muốn đáp ứng đòi hỏi của công việc, nhân sự ngành này phải có kiến thức đa ngành về kinh tế xã hội, luật, marketing, công nghệ… và cần được trang bị các kĩ năng mềm như giao tiếp, đàm phán, thương lượng… để không chỉ phục vụ cho công việc mà còn thúc đẩy sự thăng tiến nghề nghiệp của chính nhân sự đó. Theo một báo cáo, cứ 100 môi giới BĐS thì có gần 25 người chưa qua đào tạo, 70 người ở mức độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, chỉ 5 người ở mức đại học trở lên.
Các chương trình đào tạo chuyên ngành BĐS chính quy ở các trường đại học hiện nay chưa nhiều. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cả nước chỉ có 16 trường đại học đào đạo chuyên ngành BĐS, miền Bắc có 6 trường, miền Trung có 4 trường, miền Nam có 6 trường, trong đó ĐBSCL có 1 trường đào tạo chính quy ngành BĐS, 1 trường mới mở chuyên ngành kinh doanh BĐS và 1 trường đào tạo chuyên ngành quản lý đất đai.
Cũng theo khảo sát, nguồn nhân lực BĐS hiện nay tương đối trẻ, độ tuổi từ 18 đến 35 chiếm hơn 50% và luôn biến động, mức độ gắn bó thường chỉ từ 6 tháng đến 1 năm.
Mặt khác, nguồn nhân lực chất lượng cho ngành BĐS đang có xu hướng khan hiếm dần. Lực lượng nhân sự chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn, tập trung chủ yếu ở mảng môi giới BĐS. Không ít môi giới nhỏ lẻ thiếu kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm, thậm chí thiếu đạo đức hành nghề cạnh tranh thiếu minh bạch, tranh giành khách, thổi giá, tư vấn sai,… đã bị xã hội lên án thời gian qua giống như “con sâu làm rầu nồi canh”, và thực trạng này cần được chấn chỉnh.
Đứng trước sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, các doanh nghiệp BĐS cũng phải chuyển đổi theo, trong đó không ít doanh nghiệp đã bỏ rất nhiều tiền để đầu tư vào công nghệ (big data, ứng dụng bán hàng, quản trị điều hành…). Theo đó nhân sự BĐS phải nâng cao trình độ mỗi ngày để theo kịp tốc độ phát triển của ngành. Thói quen sử dụng công nghệ trong giao dịch BĐS của khách hàng/nhà đầu tư lên ngôi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động đến thị trường BĐS nói chung và thanh lọc nhân sự nói riêng: chuyển dịch nhân sự (2%) hoặc chấp nhận rời bỏ ngành (17%) của nhân viên BĐS (theo Brett King, 2017).
Bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bất động sản
Nguồn nhân lực BĐS đang đón nhận nhiều cơ hội, số lượng doanh nghiệp kinh doanh BĐS thành lập mới trong 3 quý của năm 2021 tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. Theo khảo sát, giai đoạn 2016 – 2020 nhu cầu tuyển dụng ngành BĐS khá lớn, bình quân chiếm 4,15% tổng nhu cầu nhân lực/năm, nhiều nhân sự trái ngành cũng quan tâm và ứng tuyển. Xu hướng gia tăng nhu cầu về nguồn nhân lực bất động sản đã tạo cầu nối cho Doanh nghiệp – Nhà trường – Xã hội ngày càng mật thiết hơn.
Trong đó thế hệ gen Z (những người sinh từ 1995 đến 2012) được cho là nguồn lực dồi dào mà các doanh nghiệp BĐS mong muốn. Với kiến thức được đào tạo theo xu hướng và nhu cầu thị trường, cộng với tính cách sáng tạo, hội nhập khả năng nhanh nhạy về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, thế hệ gen Z được cho rằng sẽ đáp ứng được sự phát triển của thị trường BĐS hiện nay.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chính mình, một số doanh nghiệp BĐS hiện nay có hệ thống đào tạo nội bộ riêng hoặc phối hợp với một cơ quan chủ quản có chuyên môn, chủ động đào tạo cho chính mình. Điểm đặc biệt ở đây là chương trình đào tạo của doanh nghiệp mang tính thực tiễn, ứng dụng được ngay và liên tục cập nhật mới theo sự thay đổi của thị trường. Nhờ vậy các doanh nghiệp chú trọng công tác đào tạo nội bộ luôn chủ động được nguồn nhân lực đặc biệt là giữ được người tài và chuẩn bị được đội ngũ kế thừa chất lượng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tăng cường hợp tác đào tạo với các trường đại học nhằm tuyển chọn nhân sự chất lượng kể từ khi giới trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngược lại phía nhà trường cũng coi đây là một trong những nghề hấp dẫn cần được đưa vào ngành đào tạo chính quy, nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức nền bài bản nhất, để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng nói riêng và tạo cơ hội cho sinh viên ra trường có việc làm ổn định thậm chí có thể đi làm sớm hoặc thực tập sớm tại các doanh nghiệp quy mô lớn.
Theo báo Báo Người Lao Động