Tự hào nghề muối Bạc Liêu: mặn mồ hôi, ngọt nghĩa tình

Biển Bạc Liêu không chỉ nổi bật từ bãi cát trắng mịn hay nước biển trong xanh mà mang vẻ đẹp chân chất trù phú, chan chứa vị mặn mòi của biển và chở nặng giọt mồ hôi của những diêm dân bám trụ với nghề qua nhiều thập kỷ. Đến nay, nghề muối Bạc Liêu đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, càng minh chứng cho tài nguyên và nét đẹp lao động của người diêm dân.

Hình ảnh ruộng muối Bạc Liêu đẹp lung linh và chở bao nghĩa tình của diêm dân vùng biển

Vị muối đậm đà nghĩa tình

Những ai yêu mến Bạc Liêu chắc hẳn đã từng nghe qua câu hát “Bên nước mặn, biển cho muối nhiều, bên nước ngọt, phù sa vun bồi…” câu hát qua bao năm vẫn khắc họa hình ảnh tuyệt đẹp của Bạc Liêu – vùng đất hiền hòa, chở nước mặn về hun đúc từng hạt muối để tạo ra những cánh đồng muối trắng muốt tinh khôi. Từ bao giờ, hạt muối mặn mòi ấy đã gắn chặt với đất và người Bạc Liêu như một hương vị không thể thiếu của xứ Cơ Cầu.

Khi thông tin về nghề muối Bạc Liêu được nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, các diêm dân lại háo hức, tự hào hơn về ngành nghề truyền thống tiếp nối nhiều thế hệ. Nụ cười của bà con diêm dân rực lên trong ánh nắng sớm pha lẫn với gió biển se se lạnh, nhộn nhịp gọi nhau chuẩn bị cho mùa vụ mới, người cào muối, gia cố bờ ruộng, từ cảnh đến người đều hòa quyện trong bức tranh lao động tuyệt đẹp của bà con diêm dân vùng biển Bạc Liêu.

Nét đẹp lao động của diêm dân trên biển Bạc Liêu
Nét đẹp lao động của diêm dân trên biển Bạc Liêu

Ông Nguyễn Chí Vân (huyện Hòa Bình – Bạc Liêu) – diêm dân sinh ra trong gia đình có truyền thống làm muối, ông Vân chia sẻ: “Khi còn nhỏ tôi đã được theo cha mẹ ra ruộng muối để vừa chơi vừa học cách làm muối. Trên chính cánh đồng ruộng muối này tôi đã chứng kiến biết bao mồ hôi nước mắt của gia đình và bà con chòm xóm thân quen, vì vậy càng thêm nặng tình với nghề”. Ông Văn chia sẻ thêm, gắn bó với nghề mới hiểu hết gian lao nhưng càng bám trụ càng yêu nghề và yêu luôn hơi thở của biển, vị mặn thâm tình của hạt muối.

Nghề muối Bạc Liêu được nâng tầm

Trải qua gần 100 năm hành trình lao động miệt mài, hạt muối Bạc Liêu tuy mặn mòi nhưng lại chứa hậu ngọt của tình đất và tình người, nay được sang trang mới với sự cải tiến độc đáo từ cách làm và cách truyền nghề.

Vì lẽ đó, nghề muối Bạc Liêu được vinh dự xếp vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự tôn vinh quý báu này đã giữ được ngọn lửa yêu nghề và tăng thêm sự bùng cháy của diêm dân, dù còn đó nhiều khó khăn nhưng công lao và thành quả đã được công nhận, hạt muối thêm giá trị hơn giúp cuộc sống người dân không còn cơ cực.

Nhằm nâng cao năng suất và giảm bớt công đoạn cho diêm dân, những năm gần đây tỉnh nhà đã tìm tòi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, nhân rộng mô hình muối trắng trải bạt, chuyển đổi nghề muối phát triển lên kinh tế quy mô tập thể.

Từ đó, năng suất muối tăng đáng kể, các công đoạn được lược bỏ tiết kiệm công sức cho người dân, đặc biệt là giá trị của muối cũng được nâng cao, bao bì đẹp mắt và xuất hiện chỉn chu tại các cửa hàng, siêu thị lớn và xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản,…

Muối Bạc Liêu có vị mặn, hậu ngọt chan chứa tình yêu nghề
Muối Bạc Liêu có vị mặn, hậu ngọt chan chứa tình yêu nghề

Bên cạnh câu chuyện về giá muối, cộng đồng diêm dân tại Bạc Liêu còn luôn mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị của ngành nghề. Trong chiến lược đẩy mạnh du lịch của tỉnh trong thời gian tới, cánh đồng muối sẽ được tận dụng khai thác để trở thành hình ảnh du lịch đặc trưng, giúp du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh đồng muối, trải nghiệm quy trình làm muối và “nếm thử” những hạt muối “nóng hổi” khi vừa thu hoạch.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế với các ngành nghề trọng điểm là chính sách được ưu tiên tại tỉnh Bạc Liêu, ngoài nhóm ngành về nuôi trồng thủy sản, công nghiệp năng lượng,… nghề làm muối cũng được quan tâm và dần phát triển theo hướng công nghiệp cho phù hợp với thời đại mới.

Diêm dân giờ đây đã cải thiện được cuộc sống, vừa giữ được nghề truyền thống vừa gia tăng thu nhập. Đặc biệt là kể từ khi sau Tết, thời tiết tốt đã cho ra những hạt muối đẹp, năng suất cao từ 9-12 tấn/ha/lần đào. Dự tính vụ muối của tỉnh Bạc Liêu trong năm sẽ trúng mùa với khả năng thu hoạch từ 120.000 đến 150.000 tấn muối. Giá muối cũng tăng cao hơn từ 500-1000 đồng/ký so với dịp trước Tết.

Vẻ đẹp hài hòa giữa biển và người lao động nghề muối Bạc Liêu
Vẻ đẹp hài hòa giữa biển và người lao động nghề muối Bạc Liêu

So với các ngành nghề khác, nghề muối Bạc Liêu vẫn còn đó nhiều vất vả nhưng cánh đồng muối đã có thêm niềm vui, tiếng cười. Trong ánh mắt bà con diêm dân ánh lên niềm tin mãnh liệt, trong tương lai gần, chắc chắn cuộc sống của bà con sẽ không còn bộn bề nỗi lo, những hạt ngọt của biển cả sẽ mang đến cho họ sự giàu có về tình yêu và của cải. Dù có qua bao nhiêu thăng trầm, diêm dân Bạc Liêu cũng sẽ không phụ nghề muối, bởi tình yêu ấy đã trở nên mãnh liệt sau gần 10 thập kỷ gắn bó.

Leave a Comment

Scroll to Top