Khám phá “thủ phủ tôm” của cả nước

Về miền Tây quý vị sẽ không quên ghé thăm Bạc Liêu, một tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau với vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa đậm bản sắc; được Thủ tướng chính phủ chọn là thủ phủ tôm của cả nước nhờ thiên nhiên ưu đãi nguồn thủy sản dồi dào và nguồn nhân lực chất lượng.

Tỉnh Bạc Liêu xây dựng thương hiệu Tôm Bạc Liêu có giá trị kinh tế cao và nâng cao vị thế tỉnh nhà
Tỉnh Bạc Liêu xây dựng thương hiệu Tôm Bạc Liêu có giá trị kinh tế cao và nâng cao vị thế tỉnh nhà

Từng bước xây dựng thương hiệu “tôm sạch” cả nước

Đối với Bạc Liêu, thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh. Với khát vọng nâng chất lượng tôm Việt lên tầm cao mới, những năm vừa qua tỉnh nhà đã tập trung chỉ đạo người dân nuôi trồng thủy sản theo hứng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, đặc biệt là tạo dựng thương hiệu để Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” tôm của cả nước.

Tại hội nghị sơ kết đánh giá và định hướng chiến lược quảng bá tôm Bạc Liêu vừa qua, đại điện Tập đoàn Việt – Úc cho biết, đã có rất nhiều đoàn khách nước ngoài bày tỏ sự thích thú muốn đến tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở Bạc Liêu. Trong đó có nhiều kỹ sư, chuyên gia đã đánh giá cao mô hình này và sẵn sàng làm cầu nối để phát triển thương hiệu tôm Bạc Liêu ra nước ngoài.”

Song song đó, đại diện tập đoàn này cũng bày tỏ thêm về tầm quan trọng của thị trường trong nước với gần 100 triệu dân và mong muốn kết hợp thêm với các ngành để đưa thương hiệu tôm Bạc Liêu lan tỏa cả nước, “khách khi đến Bạc Liêu sẽ phải tìm tôm Bạc Liêu”.

Lãnh đạo Sở Văn hóa – Thông tin – Thể thao Du lịch tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị về việc xây dựng đề án nhận diện hình ảnh tỉnh nhà nên dùng hình ảnh con tôm để tạo thương hiệu riêng, để khi nhắc đến Bạc Liêu, mọi người đều nghĩ ngay đến thủ phủ tôm cả nước.

Mạnh mẽ vươn lên bất chấp đại dịch

Trước đây khi đang trong giai đoạn đầu phát triển nuôi tôm, có người vừa “nhảy vào” đã trúng 1 tỉ đồng, có người e ngại chuyện “nuôi tôm, ôm nợ”. Nhưng đến thời điểm hiện nay, đã qua rồi nhiều phen lận đận, ngành nuôi tôm Bạc Liêu đã vươn lên mạnh mẽ, thậm chí vẫn giữ mức ổn định bất chấp dịch bệnh.

Người nông dân Bạc Liêu trở thành tỷ phủ sau những vụ “trúng đậm” tôm
Người nông dân Bạc Liêu trở thành tỷ phủ sau những vụ “trúng đậm” tôm

Theo ông Nghĩa, chủ hộ nuôi tôm siêu thâm canh tại Bạc Liêu cho biết, chuyện thu hoạch 20 tấn tôm/năm theo hình thức nuôi tôm siêu thâm canh là chuyện rất đỗi bình thường. Khi được can thiệp kỹ thuật, người nuôi tôm có thể tạo ra sản phẩm đúng với kích cỡ để dễ tiêu thụ ra thị trường.

Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Bạc Liêu cũng nhấn mạnh về hiệu quả mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Đây là phương pháp vượt trội giúp các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu có nguồn nguyên liệu dồi dào, chủ động để cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước. Theo thống kê, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 3 vụ/năm cho thấy doanh thu như sau:

  • Nuôi trên bể tròn nổi: Tổng doanh thu hơn 2,3 tỷ đồng/ha/năm, tổng chi phí trên 1,3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 1,01 tỷ đồng/ha/năm, giá bán 130 nghìn đồng/kg cỡ tôm 40 con/kg.
  • Nuôi trên ao đất trải bạt: Tổng doanh thu 2,1 tỷ đồng/ha/năm, tổng chi phí 1 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 1,1 tỷ đồng/ha/năm, giá bán 130 nghìn đồng/kg/cỡ tôm 40 con/kg.
Các mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở thủ phủ tôm Bạc Liêu
Các mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở thủ phủ tôm Bạc Liêu

Trong khi mô hình nuôi tôm 2 vụ/năm:

  • Tôm thẻ chân trắng thâm canh – bán thâm canh: Tổng doanh thu 2,5 tỷ đồng/ha/năm, tổng chi phí trên 1,6 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 867 triệu đồng/ha/năm, giá bán 130 nghìn đồng/kg cỡ tôm 40 con/kg.

Hiện nay, toàn tỉnh Bạc Liêu đã có hơn 15 công ty, đơn vị và trên 460 hộ dân nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh công nghệ cao với tổng diện tích 2.250 ha, sản lượng 48.883 tấn và năng suất bình quân 21,73 tấn/ha, xứng tầm với tên gọi “thủ phủ tôm” của cả nước.

Cân bằng với bảo vệ môi trường

Tại “thủ phủ tôm” Bạc Liêu, nơi không chỉ đẩy mạnh phát triển kinh tế mà còn chú trọng đến tuyên truyền doanh nghiệp, người nuôi tôm trong ý thức bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp tại Bạc Liêu chú trọng các khâu xử lý vỏ tôm, chất thải để bảo vệ môi trường song song sản xuất
Doanh nghiệp tại Bạc Liêu chú trọng các khâu xử lý vỏ tôm, chất thải để bảo vệ môi trường song song sản xuất

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho biết, với sự kêu gọi, tuyên truyền từ cơ quan chức năng, các hộ nuôi tôm đã có ý thức hơn trong việc xử lý chất thải để bảo vệ môi trường. Mặc dù chi phí đầu tư hệ thống tiên tiến này khá đắt đỏ nhưng người nuôi vẫn sẵn sàng chấp nhận vì lợi ích lâu dài của nghề nuôi tôm và cuộc sống người nông dân nuôi tôm ngày càng khấm khá, xứng tầm là “thủ phủ tôm” của cả nước.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh là phương pháp thân thiện với môi trường, được nhiều hộ dân, doanh nghiệp áp dụng để xử lý chất thải triệt để. Theo đó, nước thải trong ao nuôi sẽ được dẫn về hố tách chất thải qua túi lọc, phân tôm đi vào hệ thống biogas, vỏ tôm sau khi tách hết nước mặn sẽ được rửa qua nước ngọt, pha loãng và làm phân bón cho cây hoặc thức ăn cho gia cầm.

Bên cạnh xử lý chất thải, lượng nước sau quá trình xử lý còn được tái chế để tiếp tục nuôi tôm, giúp người nuôi tôm chủ động và tiết kiệm hơn trong điều kiện nguồn nước khan hiếm.

Sản lượng và năng suất tôm tại Bạc Liêu tăng vọt nhờ vào những ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng
Sản lượng và năng suất tôm tại Bạc Liêu tăng vọt nhờ vào những ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng

Tận dụng chất thải để làm phân bón, biogas là một giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề môi trường, đặc biệt là khi “thủ phủ tôm” mở rộng quy mô hơn với khối lượng tăng gấp nhiều lần. Vì vậy, thủ phủ tôm tỉnh Bạc Liêu đã quy hoạch, xây dựng chính sách để không chỉ thu hút đầu tư mà còn tuyên truyền nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh.

Để vươn lên vị trí thủ phủ tôm cả nước, Bạc Liêu không chỉ vận dụng tốt sự ưu ái của tự nhiên mà còn có những hướng đi đúng đắn, đồng thời là sự chịu thương chịu khó, nhạy bén thích nghi của người dân. Tin chắc rằng với những nỗ lực đã và đang ứng dụng, ngành nuôi tôm ở Bạc Liêu sẽ sớm có bước đột phá mới, tạo nên những bước tiến vược bậc ở thị trường quốc tế, đưa kinh tế Bạc Liêu lên tầm cao, nâng chất lượng sống của người dân tỉnh nhà.

Leave a Comment

Scroll to Top