Miền Tây: ứng dụng hiệu quả mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Những năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm công nghệ cao được áp dụng rộng rãi ở nhiều khu vực, đặc biệt là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Với lợi thế địa lý và khí hậu, bà con các tỉnh miền Tây (nổi bật là Bạc Liêu) đã gặt hái được thành công lớn từ mô hình nuôi trồng thủy sản tiên tiến này.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu ngày càng được ứng dụng phổ biến vì tính hiệu quả vượt bậc

Các vùng áp dụng tốt mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của cả nước. Đi từ truyền thống đến hiện đại, đã có ít nhiều thay đổi dựa trên việc kế thừa giá trị sẵn có kết hợp tiếp thu kỹ thuật tiên tiến. Một trong số các khu vực dẫn đầu về nuôi trồng thủy sản phải kể đến miền Tây. Nơi được thiên nhiên ban tặng đường bờ biển trải dài, tài nguyên hải sản phong phú.

Bạc Liêu thuộc top các địa phương dẫn đầu cả nước trong việc ứng dụng thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao với gần 130 nghìn hecta. Đặc biệt trong những năm gần đây, Bạc Liêu “trúng đậm” về sản lượng tôm, nhất là tôm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho bà con, gia tăng giá trị kinh tế cho tỉnh nhà.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu – Lưu Hoàng Ly cho biết, hiện tỉnh Bạc Liêu đứng thứ hai cả nước về diện tích chuyên nuôi tôm, sản lượng luôn cao lũy tiến theo từng năm.

Theo đó, toàn tỉnh có hơn 139.780 hecta nuôi thủy sản, sản lượng đạt 200.000 tấn/năm bao gồm kết hợp nhiều mô hình như: tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh, mô hình tôm – lúa kết hợp, mô hình quảng canh cải tiến kết hợp. Trong đó, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh (ứng dụng công nghệ cao) được đánh giá là có nhiều điểm tối ưu vượt trội. Đây là mô hình có tỷ lệ thành công hơn 70% vì thời gian được rút ngắn nhưng sản lượng và chất lượng lại đảm bảo.

Tôm được nuôi theo mô hình công nghệ cao

Bến Tre cũng là một trong số các tỉnh không hề kém cạnh với tổng diện tích của mô hình nuôi tôm công nghệ cao lên đến hơn 2.000 hecta, đạt năng suất bình quân từ 60-70 tấn/hecta. Tuy chỉ mới ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao trong vòng 2 năm trở lại nhưng hiệu quả đạt rất cao, 90% ao nuôi có lãi và tăng dần lên về quy mô diện tích.

Trong đó, 3 tỉnh huyện ven biển như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đã hoàn thành liên kết với các công ty chăn nuôi Việt Nam nhằm hỗ trợ ngư dân về vật tư, kỹ thuật, con giống và thức ăn đáp ứng mô hình nuôi trồng hiện đại.

Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre cũng nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 sẽ tăng diện tích nuôi tôm theo mô hình này lên đến 4.000 hecta, trong đó huyện Bình Đại chiếm 2.000 hecta, huyện Thạnh Phú 1.500 hecta và huyện Ba Tri là 500 hecta.

Cà Mau đặt tầm nhìn đến năm 2030 sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm khoảng 280.000ha, đông thời gia tăng sản lượng – chất lượng tôm qua việc nâng cao ứng dụng khoa học, kỹ thuật.

Tính đến nay, diện tích nuôi tôm theo hình thức thâm canh và siêu thâm canh ở Cà Mau đạt gần 8.600ha, diện tích đang thả nuôi đạt 60% so với kế hoạch. Nuôi tôm công nghệ cao ở Cà Mau được đánh giá là có hướng phát triển ổn định khi tỉ lệ thả con giống đạt cao.

Khó khăn và cơ hội cho mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Đi lên từ hình thức nuôi trồng truyền thống, khó khăn mà bà con phải đối diện đó là thay đổi thói quen trong nhiều năm liền. Ngoài ra, tâm lý sử dụng “công nghệ cao” càng khiến bà con thêm phần xa lạ, ngại tiếp cận. Đó là những khó khăn ban đầu của bà con nuôi thủy sản lâu năm muốn chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao.

Nhiều hộ nuôi tôm truyền thống đang dần tập quen ứng dụng công nghệ cao

Thách thức tiếp theo là về tài chính. Để chuyển đổi mô hình nuôi tôm công nghệ cao cần nhiều chi phí. Tuy nhiên, mức độ đầu tư có thể thấp hoặc cao hơn tùy vào quy mô của mô hình. Khi thị trường nuôi tôm công nghệ cao phát triển rộng rãi, các doanh nghiệp đã mang đến cho bà con những mô hình có giá hợp lý, thích hợp cho người vừa nuôi thủy sản lần đầu và cả những người chuyển hướng từ nuôi tôm truyền thống.

Các yếu tố khác như thổ nhưỡng, điều kiện địa lý cũng sẽ bổ trợ cho sự phát triển đi lên của ngành theo mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Hiện nay, những vùng nuôi tôm lớn đã và đang tăng tốc đầu tư các chính sách khuyến khích người dân nuôi tôm thâm canh theo hướng hiện đại, vừa tiết kiệm công sức lại vừa tăng chất lượng và sản lượng.

Riêng tại huyện Hòa Bình, Bạc Liêu, ngành chức năng cũng đẩy mạnh mô hình nuôi tôm công nghệ cao qua việc tăng tốc giải quyết các khó khăn cho người nuôi bao gồm: nguồn vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, liên kết các công ty, tổ chức hỗ trợ kỹ thuật, mở chương trình đào tạo tập huấn để sử dụng công nghệ trong mô hình. Đây đều là các chính sách giúp người dân dễ dàng khi tiếp cận mô hình mới, nhanh chóng hòa nhập, mang lại lợi ích lớn cho các hộ có mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Huyện Hòa Bình hiện đang dẫn đầu cả tỉnh về quy mô nuôi tôm công nghiệp và siêu thâm canh với 990ha diện tích nuôi tôm công nghệ cao. Trong đó, có 4 công ty với diện tích 405ha, 177 hộ nuôi tôm với diện tích 586ha.

Ngành chức năng huyện Hòa Bình xác định rõ mô hình nuôi tôm hướng mới là thế mạnh của huyện, trong bối cảnh ngành nuôi tôm đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, thị trường tôm giống nhiều biến động nhưng sản lượng nuôi tôm của huyện đạt đến 12.270 tấn, năng suất bình quân 15 tấn/ha và hiện sức hút của ngành nuôi tôm tại Hòa Bình vẫn chưa hạ nhiệt.

Bạc Liêu ứng dụng thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Bạc Liêu được biết đến là “thủ phủ tôm” của miền Tây. Những năm trở lại đây, do xây dựng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Bạc Liêu đã trở thành địa phương đi đầu trên cả nước về lĩnh vực này. Đặc biệt tỉnh được Thủ tướng Chính phủ định hướng trở thành thủ phủ tôm của Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá cao mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu

Nếu như năm 2015, thời điểm Bạc Liêu vừa bắt đầu áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, cả tỉnh chỉ có hơn 70ha. Song, đến năm 2020, quy mô diện tích đã được rộng mở lên đến 2500ha.

Đến năm 2021, toàn tỉnh đã sử dụng hơn 3.730ha diện tích thả giống với sự tham gia của 23 công ty và 650 hộ dân, nâng tổng sản lượng lên 72,960 tấn. Kế hoạch của tỉnh trong năm 2022 sẽ tiếp thục phát triển mô hình nuôi tôm thâm canh, mở rộng diện tích lên hơn 23.000ha và hướng tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD trong tương lai gần.

Sự vượt tốc về diện tích và sản lượng tôm của Bạc Liêu cho thấy mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã chiếm ưu thế vượt trội, cho năng suất cao từ 10 đến 15 lần so với nuôi tôm theo hình thức truyền thống.

Quy trình chế biến tôm xuất khẩu

Để tiếp tục mở rộng ngành nuôi trồng thủy sản cũng như cải thiện thu nhập, đời sống của người dân, tỉnh Bạc Liêu huy động các nguồn lực xã hội để nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng (ô đê bao, trạm bơm, điện và giao thông),…để thúc đẩy ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Đồng thời, tỉnh cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng một số dự án, công trình trọng tâm như đê, kè, công trình ven biển cấp bách để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt đẩy nhanh dự án Hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước ngọt để phục vụ nuôi trồng thủy sản khu vực phía Nam QL1A Bạc Liêu.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã thực sự mang đến nhiều giá trị cho tỉnh Bạc Liêu không chỉ về mặt kinh tế mà còn về hình ảnh của tỉnh – một Bạc Liêu hiện đại luôn thích nghi và thay đổi theo xu hướng mới.

Leave a Comment

Scroll to Top