Gần đây Bạc Liêu được biết đến là tỉnh có nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp năng lượng điện gió, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với số vốn đăng ký đầu tư khoảng 5 tỷ USD (25 dự án trong nước và 1 dự án FDI) trong năm 2020.
Dẫn đầu về tài nguyên công nghiệp năng lượng sạch
Được biết hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 155 dự án thu hút đầu tư, trong đó có 140 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 46.106 tỷ đồng và 15 dự án nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư 4,5 tỷ USD.
Tỉnh Bạc Liêu có 3 lợi thế lớn để phát triển lĩnh vực này: đường bờ biển dài hơn 56km, thời tiết quanh năm có nắng với số giờ nắng bình quân đạt trên 2.900 giờ/năm; vùng ven biển có gió mạnh, ổn định; địa hình tương đối bằng phẳng, ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ…
Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, Bạc Liêu chọn công nghiệp năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu.
Có thể nói đến thời điểm này, Bạc Liêu là tỉnh đi đầu của vùng ĐBSCL về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp năng lượng sạch. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có Nhà máy Điện gió Bạc Liêu là nhà máy điện gió trên biển duy nhất của nước ta hiện nay, với quy mô công suất 99,2 MW, tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, đã hòa lưới điện Quốc gia hơn 1 tỷ kWh. Ngoài ra còn 9 dự án điện gió khác (cả trên biển lẫn trên đất liền) với tổng công suất 562MW hiện đang khẩn trương triển khai thực hiện để kịp hoàn thành vào cuối năm 2021.
Đặc biệt, năm 2020 Bạc Liêu đã thu hút được dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Đây là dự án FDI lớn nhất vùng ĐBSCL từ trước tới nay. Ngoài ra, tỉnh đang trình bổ sung quy hoạch hơn 27 dự án điện gió khác, với tổng công suất hơn 5.000 MW.
Phát triển 5 trụ cột kinh tế
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột chính: Phát triển trọng tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; Phát triển trọng tâm công nghiệp năng lượng tái tạo (gồm điện gió, điện mặt trời) và điện khí; Phát triển du lịch; Phát triển thương mại dịch vụ – giáo dục – y tế chất lượng cao; Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.
Có thể nói với chiến lược phát triển dựa trên ưu thế và tiềm năng, nhằm mang lại hiệu quả và giá trị cao trong sản xuất, chính là bước tiến vững chắc để tỉnh Bạc Liêu đạt được mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.
Hiện tỉnh Bạc Liêu đang kêu gọi đầu tư 83 dự án trong đó có 15 dự án trọng điểm, đơn cử như: Khu đô thị cao cấp đường Hùng Vương, Cao ốc liên hợp thương mại – du lịch đường Bà Triệu, Cầu dẫn và cảnh quan nhân tạo biển Bạc Liêu, Tuyến du lịch sinh thái ven biển Bạc Liêu, Xây dựng khu kinh tế biển Gành Hào, Xây dựng cảng biển Gành Hào (huyện Đông Hải), Hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Láng Trâm (huyện Giá Rai), Hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Ninh Qưới (huyện Hồng Dân)…
Riêng lĩnh vực đầu tư khu dân cư khu đô thị có 12 dự án quy mô từ 2,1ha đến 110ha tập trung tại TP Bạc Liêu và các huyện. Trong đó có 3 dự án quy mô lớn đó là dự án Khu dân cư Bắc Quốc Lộ 1A (phường 7) 110ha, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; Khu đô thị cao cấp đường Hùng Vương tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng; Khu dân cư hai bên đường tránh quốc lộ 1A quy mô 83ha, vốn đầu tư 540 tỷ đồng…
Khi các dự án kêu gọi đầu tư thành công và được triển khai thực hiện thì chắc chắn diện mạo đô thị TP Bạc Liêu và tỉnh Bạc Liêu nói chung sẽ ngày càng văn minh, hiện đại.
Ngoài ra Bạc Liêu còn được biết đến là địa phương sở hữu nhiều thắng cảnh du lịch đặc sắc, với tổng cộng 57 địa điểm du lịch lớn nhỏ. Có thể kể đến những công trình mang dấu ấn văn hóa độc đáo như Nhà hát Cao Văn Lầu, công trình kiến trúc đã được xác lập kỷ lục “có hình dạng 3 chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam” hay Nhà cổ Công tử Bạc Liêu hơn 100 năm tuổi nhưng vẻ đẹp kiến trúc kiểu Pháp với hoa văn tinh tế, toát lên sự sang trọng, hào hoa… vẫn hấp dẫn du khách khám phá mỗi khi đặt chân đến Bạc Liêu.
Một số công trình phát triển kinh tế như Cánh đồng điện gió, Cánh đồng muối hay Khu du lịch Nhà Mát… cũng rất thu hút các bạn trẻ tham quan, check-in khám phá.
Ngoài ra một số điểm đến tâm linh như Chùa Mẹ Nam Hải, Nhà thờ Cha Diệp hàng năm thu hút rất nhiều du khách hành hương, cầu may mắn, tài lộc, bình an.
Có thể nói với văn hóa đặc sắc, tiêu biểu cho tính cách cũng như đời sống văn hóa tinh thần của người miền Tây, cộng với những bước tiến đột phá về phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là thu hút đầu tư, Bạc Liêu sẽ còn phát triển năng động hơn nữa trong thời gian tới.